Trên báo ngôn ngữ và đời sống tác giả Quảng Nguyên đã viết bài Ngày Tết với lịch Tây và lịch Ta. Lịch Tây và lịch Ta là những tên gọi quen thuộc. Cùng có một vai trò là chỉ đơn vị thời gian nhưng lịch Tây và lịch Ta có những cách tính khác nhau, cùng là một năm nhưng Tết của năm Dương lịch bao giờ cũng đến sớm hơn Tết của năm Âm lịch. Cách tính này chủ yếu là dựa vào nguồn gốc xuất xứ của từng loại lịch, nhưng không phải ai cũng hiểu được nguồn gốc, xuất xứ của từng loại lịch.
Dương lịch gọi nôm na là lịch Tây, lấy thời gian một vòng quay của trái đất xoay quanh mặt trời làm một năm. Vòng quay đó mất chính xác là 365 ngày đêm cộng với 5 giờ 49 phút 40 giây. Dương lịch vốn lấy truyền thuyết về năm Giáng thế của Đức Chúa Giê-su làm căn cứ, coi năm đó là năm đầu tiên để tính năm tháng ở thế gian. Dương lịch được sử dụng vào thế kỷ thứ IV (sau Công Nguyên), lúc đầu phổ biến ở các nước Phương Tây theo Đạo Thiên Chúa. Sau dần được công nhận và phổ biến khắp thế giới vì vậy được gọi là Công lịch và kỷ nguyên được ghi nhận theo Dương lịch gọi là Công nguyên. Theo Dương lịch mỗi năm có 5 tháng thiếu là các tháng: 2; 4; 6; 9; 11 gồm mỗi tháng 30 ngày, riêng tháng 2 chỉ có 28 ngày và 7 tháng đủ là các tháng: 1; 3; 5; 7; 8; 10; 12 mỗi tháng gồm 31 ngày.
Còn về nguồn gốc của Âm lịch ngày nay là xuất xứ từ lịch của người Trung Quốc, ở Trung Quốc từ hàng mấy nghìn năm trước Công nguyên đã hình thành nhiều loại lịch pháp khác nhau. Từ thời Chiến Quốc đến thời Tây Hán, vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên cho đến những năm đầu Công nguyên thường dùng 3 loại lịch sau: Hạ lịch, Chu lịch và Tần lịch. Cả 3 loại lịch pháp này đều lấy 365, 25 ngày để đo thời gian một năm. Âm lịch để phân biệt với lịch Tây, có thể gọi nôm na là lịch Ta hay còn có một tên gọi khác là Nông lịch vì nó hợp với cách tính mùa màng trong sản xuất nông nghiệp. Âm lịch lấy thời gian bình quân một tháng theo chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng, còn thời gian một năm thì lấy gần như theo chu kỳ một vòng quay của trái đất quanh mặt trời. Một vòng quay của mặt trăng quanh trái đất là chu kỳ giữa hai lần trăng tròn hoặc giữa hai lần trăng khuyết. Chu kỳ đó nếu tính chính xác là 29 ngày đêm cộng với 12 giờ 44 phút 03 giây, để cho gọn người ta tính bằng 30 ngày đối với tháng đủ và 29 ngày cho tháng thiếu. Ngày Tết là ngày đầu tiên của một năm, người Trung Quốc gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Nguyên Chính, Nguyên Xuân, Nguyên Đán, Nguyên Nhật và Nguyên Sóc… Tên gọi phổ biến nhất là Nguyên Đán lần đầu xuất hiện trong câu thơ của Tiêu Tử Văn thời Nam triều nhà Lương :
“Tứ khí tân Nguyên Đán.
Vạn thọ sơ kim triêu”.
Người Việt Nam ta không biết từ khi nào thường gọi ngày mở đầu một năm Âm lịch, thậm chí không phải một ngày, mà là hai ba ngày đầu năm là Tết. Cách gọi này là bắt nguồn từ cách đọc biến âm của chữ Hán Việt là Tiết mà thành, song nếu muốn nói đến ngày lễ Tiết nào đó như Đoan ngọ, Trung thu thì Tết và Tiết còn có nghĩa như nhau, còn nếu nói là Tết thì đó có nghĩa là những ngày lễ mừng năm cũ và đón năm mới theo phong tục cổ truyền của người dân Việt Nam.
Tết ở Việt Nam mang những sắc thái rất đặc trưng và riêng biệt, có thể nói rằng quan sát và nghiên cứu cách gọi tên trong ngôn ngữ có thể khám ra nhiều điều thú vị. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản ánh hiện thực khách quan của một quốc gia, một dân tộc, mà nghiên cứu ngôn ngữ còn giúp chúng ta phần nào đó hiểu được những phong tục tập quán của ông cha ta từ ngàn xưa để lại.